Có lẽ bạn đã biết rằng trẻ em, đặc biệt là các trẻ sơ sinh là đối tượng có sức đề kháng rất yếu ớt. Nếu không được chăm sóc kỹ lưỡng, cơ thể các bé sẽ dễ dàng bị tấn công bởi nhiều tác nhân gây bệnh như vi khuẩn, nấm, virus… Trẻ còn dễ bị mắc các bệnh về đường tiêu hoá. Một số triệu chứng của bệnh rối loạn tiêu hoá thường gặp phải như các bé bị táo bón, tiêu chảy… Do đó, các bậc phụ huynh cần phải thường xuyên lưu ý đến khả năng tiêu hoá của trẻ để nhanh chóng phát hiện khi trẻ có các dấu hiệu bất thường. Dưới đây là các dấu hiệu và nguyên nhân gây ra chứng bệnh rối loạn tiêu hoá ở trẻ. Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu và rút ra các cách chữa trị căn bệnh này.
Bệnh rối loạn tiêu hoá là gì?
Rối loạn tiêu hóa ở trẻ nhỏ là một trong những chứng bệnh phổ biến. Nó gây ảnh hưởng tới sự phát triển bình thường của trẻ. Vậy phải làm gì khi trẻ bị rối loạn tiêu hoá chính là mối quan tâm hàng đầu của các bà mẹ.
Bệnh rối loạn tiêu hoá ở trẻ em là một thuật ngữ chung để chỉ những bất thường về chức năng của hệ tiêu hoá như dạ dày, đường ruột của bé. Đây là tình trạng cơ thể trẻ thay đổi hoặc xuất hiện các triệu chứng bất thường ở đường tiêu hóa. Với các biểu hiện như đau bụng âm ỉ hoặc đau từng cơn, nôn trớ, tiêu chảy, táo bón… Chính điều này sẽ làm giảm khả năng hấp thu chất dinh dưỡng của trẻ. Từ đó khiến trẻ chậm lớn, chậm tăng cân, gây ảnh hưởng đến sức khỏe và sự phát triển toàn diện của trẻ.
Dấu hiệu để nhận biết trẻ bị rối loạn tiêu hoá
So với nhiều bệnh khác, rối loạn tiêu hóa tuy không nguy hiểm nhưng lại gây ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của trẻ nhỏ. Các con có thể bị chậm lớn, cơ thể thiếu sức đề kháng, tăng nguy cơ mắc bệnh. Vì thế, để có thể đảm bảo sức khoẻ của con cái, cha mẹ cần chú ý quan sát ở trẻ liệu có xuất hiện những dấu hiệu thường gặp của bệnh rối loạn tiêu hoá hay không? Từ đó có thể xác định các hướng chữa trị phù hợp cho bé.
- Trẻ bị táo bón, khó đi đại tiện hoặc bị tiêu chảy nhiều lần trong ngày.
- Trẻ bị đau bụng. Những cơn đau có thể xuất hiện với các mức độ khác nhau. Từ đau nhẹ tới quằn quại hoặc đau như dao cắt. Thường xuất hiện ở vùng bụng dưới bên trái, đôi khi cũng có thể đau ở các vị trí khác.
- Trẻ ăn thường bị đầy hơi, sình bụng. Khi ăn không có cảm giác ngon miệng.
- Trẻ cũng có thể xuất hiện các biểu hiện như ợ chua, đắng, chán ăn, hôi miệng, buồn nôn, nôn mửa…
Các bậc phụ huynh cần theo dõi trẻ khi xuất hiện những triệu chứng rối loạn tiêu hoá để có các phương pháp điều trị phù hợp.
Nguyên nhân gây ra bệnh rối loạn tiêu hoá ở trẻ
Theo số liệu thống kê của Viện dinh dưỡng quốc gia, tỷ lệ trẻ bị rối loạn tiêu hóa chiếm tới hơn 47% trên tổng số bệnh nhân đến khám tại đây. Ngoài ra, theo thống kê tại Bệnh viện Nhi Trung Ương thì tỷ lệ này lên tới 59% ở trẻ dưới 12 tháng tuổi và 40% đối với trẻ từ 1 – 2 tuổi.
Trước tình trạng trẻ bị mắc bệnh rối loạn tiêu hóa càng tăng, các bác sĩ chuyên khoa đã đưa ra cảnh báo. Đồng thời chỉ ra những nguyên nhân khiến số lượng trẻ mắc bệnh không có xu hướng giảm.
Do sử dụng thuốc kháng sinh không đúng cách
Khi các mẹ cho con sử dụng nhiều kháng sinh liều cao và không theo hướng dẫn của bác sĩ. Khiến các hệ vi khuẩn trong đường ruột của trẻ bị rối loạn. Thuốc kháng sinh chính là thủ phạm tiêu diệt các vi khuẩn có lợi của đường ruột. Nó còn tạo cơ hội cho vi khuẩn có hại phát triển mạnh. Gây loạn khuẩn, dẫn tới chứng tiêu chảy nhiều lần trong ngày.
Do trẻ có chế độ ăn uống không hợp lý
Chế độ dinh dưỡng cho trẻ không hợp lý cũng trực tiếp khiến con bị rối loạn tiêu hóa. Các mẹ nên hạn chế cho con ăn những thực phẩm nhiều đường, dầu mỡ, quá nhiều protein… Các loại thức ăn này sẽ khiến trẻ bị đầy bụng, khó tiêu, tiêu chảy… Ngoài ra, không nên cho trẻ ăn dặm quá sớm, ăn quá no hoặc ăn quá lâu…
Do trẻ thường xuyên tiếp xúc với môi trường không đảm bảo vệ sinh
Sống trong môi trường không đảm bảo vệ sinh sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh ở trẻ nhỏ. Chẳng hạn như các loại vật nuôi, đồ chơi… không được làm sạch sẽ khiến trẻ dễ bị nhiễm khuẩn, giun sán gây rối loạn tiêu hoá.
Do trẻ có sức đề kháng yếu
Ở độ tuổi này, hệ miễn dịch của trẻ vẫn chưa được hoàn thiện. Các vi sinh vật có lợi ở đường ruột không đủ mạnh để bảo vệ trẻ khỏi các vi khuẩn gây bệnh.
Do trẻ bị ngộ độc thức ăn
Khi trẻ ăn phải các thực phẩm bẩn, không hợp vệ sinh, đồ ăn bị ôi thiu,… sẽ khiến hệ tiêu hoá của trẻ bị ảnh hưởng. Cha mẹ cần đề phòng và chú ý tới thức ăn của trẻ.
Cần làm gì khi trẻ bị bệnh rối loạn tiêu hóa?
Làm thế nào để chữa trị hiệu quả chứng rối loạn tiêu hóa ở trẻ luôn là thắc mắc của nhiều bậc phụ huynh. Để hạn chế tình trạng bệnh của con, cha mẹ có thể tham khảo một số biện pháp sau:
- Nên cho trẻ ăn đồ dễ tiêu hoá như cháo, bột, cơm nát… Đồng thời chia nhỏ ra các bữa trong ngày, không ăn đồ đóng hộp, thức ăn tanh, cay, nóng.
- Cung cấp cho trẻ đủ lượng rau xanh, hoa quả để bổ sung lượng chất xơ và vitamin cần thiết. Đặc biệt là vitamin C để tăng sức đề kháng cho trẻ.
- Khuyến khích trẻ uống nhiều nước hoặc bổ sung nước điện giải khi trẻ bị tiêu chảy.
- Bổ sung men vi sinh phù hợp để cân bằng hệ vi khuẩn có lợi của đường ruột. Điều này sẽ giúp hệ tiêu hóa hoạt động bình thường. Đồng thời ăn các thực phẩm tốt cho tiêu hóa, tăng vi khuẩn có lợi.
- Không ăn những thức ăn không rõ nguồn gốc, đồ ăn nhiều dầu mỡ, nhiều đường…
- Thường xuyên vệ sinh môi trường sống của trẻ. Đặc biệt những đồ đạc trẻ hay tiếp xúc như: đồ chơi, giường, bàn ghế… tránh vi khuẩn có hại xâm nhập vào cơ thể trẻ.
- Nếu chứng rối loạn tiêu hóa của trẻ kéo dài, bố mẹ cần nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất. Từ đó có hướng điều trị tích cực hơn cũng như để không ảnh hưởng tới sức khỏe.
Tạm kết
Bệnh rối loạn tiêu hoá là căn bệnh thường gặp ở trẻ em. Khi mới phát hiện, bệnh sẽ không quá nghiêm trọng. Nhưng nếu các mẹ chủ quan và không nhanh chóng có những phương pháp điều trị kịp thời sẽ gây ảnh hưởng đến sức khoẻ của các bé.
Nguồn: ytevietnam.net.vn