Trong cuộc sống hàng ngày, nhiều trường hợp bạn sẽ tức giận với con trẻ. Chẳng hạn như trước đây bạn phải ba lần thu dọn đồ chơi nhưng ngay sau đó trẻ lại đổ đồ chơi đó ra lần nữa. Những lúc này, bạn sẽ tức giận và quát mắng trẻ ngay lập tức. Tuy nhiên, trước khi bạn lớn tiếng quát mắng thì phải suy nghĩ cho kỹ. Bởi mắng mỏ sẽ không giúp con bạn dừng hành vi đó lại. Mặt khác, việc mắng mỏ sẽ khiến con bạn buồn và đôi khi khiến bạn phải hối hận về sau. Do đó, không đánh mắng con là tốt cho bạn và con bạn. Vậy làm thế nào để giữ bình tĩnh khi trẻ làm sai? Hãy cùng tham khảo bài viết này của Thanhnien365 để giữ bình tĩnh trước con nhé!
Đặt kỳ vọng phù hợp với sức của trẻ
Một nguyên nhân thường khiến bố mẹ liên tục la mắng con trẻ chính là vì chúng không đạt được kỳ vọng mà họ mong muốn. Nếu tình trạng này xảy ra thường xuyên ở gia đình bạn, rất có thể bạn đang kỳ vọng quá nhiều vào con cái rồi đấy. Bố mẹ phải nhớ rằng, khả năng và sở thích của mỗi đứa trẻ là khác nhau. Đối với bạn, việc đó có thể rất dễ, nhưng nó có thể là một việc rất khó so với bé. Việc bạn đặt nhiều kỳ vọng sẽ tạo nên áp lực rất lớn cho trẻ.
Để có thể tìm ra phương pháp dạy dỗ bé hiệu quả nhất, bố mẹ trước tiên cần phải xác định rõ năng lực của bé để từ đó đặt ra những mục tiêu và kỳ vọng phù hợp. Đừng bắt trẻ phải đạt tiêu chuẩn của bạn và la mắng con khi chúng không làm được. Việc này có thể khiến trẻ tự ti về khả năng của mình. Thêm vào đó, bạn cần nhớ rằng, thể chất và tinh thần của trẻ phát triển rất khác bạn. Trẻ có thể sẽ không thích việc phải dành hàng giờ làm những việc bạn thích, cũng giống như bạn, không thích việc ngồi hàng giờ nhìn trẻ làm những việc bạn không thích. Vì vậy, đừng ép trẻ làm những thứ mà bản thân con không thích để rồi sau đó lớn tiếng với chúng.
Đừng tranh cãi với con trẻ
Bố mẹ có quyền đưa ra quyết định nhưng chỉ nói một lần duy nhất. Đừng thay đổi nó vì bất cứ lý do nào. Ví dụ, nếu không cho phép, bố mẹ không nên thay đổi khi trẻ khóc hay năn nỉ. Trẻ sẽ nhanh chóng hiểu nguyên tắc làm việc của bạn, không còn bướng bỉnh hay mè nheo. Nhiều cha mẹ la hét hoặc đánh con ngoài đường. Việc này làm bé sợ nhưng không mang ý nghĩa giáo dục. Trẻ sẽ tìm cách tranh cãi với bạn theo hướng tiêu cực, có thể nằm ăn vạ. Bạn càng hạn chế tranh cãi, trẻ càng dễ hiểu về nguyên tắc cha mẹ hoạt động.
Hãy để con trẻ lựa chọn và quyết định
Trong một lần cho con đi dã ngoại, con không chịu đội mũ dù trời rất nắng. Nếu ba mẹ to tiếng và đe dọa “Nếu con không đội mũ, con không bao giờ được đi chơi nữa”. Sau đó, phản ứng của con có thể nghe lời, có thể không. Nhưng dù gì thì chắc chắn trẻ bị tổn thương và chuyến đi chơi không còn thú vị nữa. Thay vào đó, bạn hãy cho con lựa chọn.
Việc đe dọa và trừng phạt không có tác dụng. Thay vì cảm thấy hối tiếc vì không hợp tác với người lớn, đứa trẻ có xu hướng trở nên cứng đầu hơn. Ba mẹ thử nói “Con đội mũ bây giờ hoặc sau khi kết thúc phần chơi này”. Đứa trẻ có thể vẫn không nghe lời ngay lập tức, nhưng chắc chắn chúng bắt đầu tư duy. Và những lần sau, chúng sẽ thay đổi.
Kể chuyện cho con
Đây là một cách hiệu quả để dạy dỗ con cái mà không cần la mắng lớn tiếng. Hãy thử kể cho con bạn nghe những câu chuyện có nội dung như: “Chuyện gì đã xảy ra với cậu bé ấy khi không nghe lời bố mẹ?”. Qua những câu chuyện này, bạn có thể lồng ghép vào đó những bài học muốn truyền đạt đến cho trẻ. Kết quả mà những câu chuyện này mang lại như thế nào còn tùy thuộc vào nhận thức của con bạn. Tuy nhiên, đây được xem là một phương pháp phù hợp cho cả bố mẹ và bé. Vì trong lúc kể chuyện, bạn sẽ không có thời gian để tức giận. Và lúc này các bé sẽ lắng nghe và tưởng tượng theo nội dung câu chuyện nên cũng không có nhiều hành động khiến bạn tức giận nữa.
Hãy dứt khoát
Khi bé làm một việc gì sai hoặc khi xảy ra tranh cãi, điều bạn cần làm đầu tiên chính là giữ bình tĩnh. Sau đó nói chuyện với trẻ một cách thật nghiêm túc, dứt khoát và rõ ràng. Điều này không đồng nghĩa với việc bạn phải la mắng, chỉ trích hoặc gay gắt với trẻ. Việc dùng giọng điệu nhẹ nhàng nhưng chắc chắn, đanh thép sẽ khiến trẻ bắt đầu lắng nghe bạn nói một cách nghiêm túc hơn. Trong trường hợp này, việc la mắng con trẻ không những không hiệu quả mà còn có thể dẫn đến nhiều phản ứng tiêu cực ở trẻ như: nổi giận, la hét hoặc khó chịu. Lựa chọn cách nói chuyện dứt khoát, rõ ràng và hợp lý chính là cách tốt nhất giúp bạn giải quyết tranh cãi với con cái.
Suy tính kết quả trước khi quát con trẻ
Vì sao bạn phải quát mắng và la hét vào mặt trẻ? Sau tất cả những lời to tiếng ấy là những giọt nước mắt buồn bã và gương mặt u sầu của trẻ. Điều này có làm bạn cảm thấy đau lòng không? Chỉ cần hình dung những khoảnh khắc ấy có thể sẽ giúp bạn bình tĩnh, tránh to tiếng với trẻ. Bạn nên xử lý tình huống theo cách nhẹ nhàng hơn. La mắng không phải là một cách tốt để dạy bảo con trẻ. Hãy tìm cho mình những cách khác để giúp kiềm chế cơn giận và dạy dỗ con một cách hiệu quả hơn.
Nguồn: giadinh.net.vn