Cảnh báo bệnh tay chân miệng ở trẻ em

Đề Phòng Bệnh Tay Chân Miệng Ở Trẻ Nhỏ Vào Mùa Hè

Bệnh trẻ em Sức Khỏe
Mất:9 phút, 9 giây để đọc

Thời điểm mùa hè với khí hậu nóng ẩm khiến nhiều bậc cha mẹ lo lắng. Vì đây chính là khoảng thời gian khiến nhiều trẻ em dễ mắc các bệnh như tiêu chảy, ngộ độc thực phẩm, thuỷ đậu, sốt xuất huyết… Trong đó, bệnh tay chân miệng là một trong những bệnh phổ biến nhất ở trẻ. Đặc biệt là trẻ em ở độ tuổi sơ sinh và trẻ dưới 5 tuổi. Ở lứa tuổi này trẻ có sức đề kháng yếu. Nếu không được phòng tránh và điều trị đúng cách, kịp thời sẽ gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, khó lường. Thậm chí có thể gây tử vong nếu không được phát hiện và chữa trị sớm. Chúng tôi khuyến cáo các bậc phụ huynh nên tìm hiểu rõ về nguyên nhân, triệu chứng của căn bệnh này. Để từ đó biết cách bảo vệ con em tránh khỏi những nguy cơ từ bệnh tay chân miệng.

Đối tượng nào sẽ dễ mắc bệnh tay chân miệng?

Tiến sỹ Nguyễn Văn Lâm – Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới (Bệnh viện Nhi Trung ương) cho hay từ đầu năm đến giờ đã ghi nhận 121 bệnh nhân mắc tay chân miệng, không có ca bệnh nặng, chưa tăng đột biến như những năm trước. Hiện tại số lượng bệnh nhân vào viện khoảng 5-6 bệnh nhân/ngày. Và đang ở mức độ nhẹ. Hầu hết bệnh nhân là trẻ đưới 5 tuổi, đặc biệt trẻ dưới 3 tuổi mắc nhiều hơn.

Trẻ em ở độ tuổi nào dễ mắc bệnh tay chân miệng

Nhiều bệnh nhân mắc bệnh tay chân miệng ở mức độ 1 chỉ sốt nhẹ. Ngoài ra còn kèm theo phát ban ở lòng bàn tay, bàn chân. Trẻ có thể được cho về điều trị, chăm sóc tại nhà. Tuy nhiên từ mức 2A, bệnh nhân sốt cao, mạch nhanh. Cha mẹ phải nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế để theo dõi chăm sóc.

So với năm ngoái, số bệnh nhân mắc tay chân miệng năm nay có xu hướng tăng nhanh hơn. Cùng kỳ năm ngoái chỉ có hơn 10 ca, cùng kỳ này năm 2019 là 79 ca. Bệnh tay chân miệng tại Việt Nam phổ biến quanh năm. Đa số xảy ra ở hầu hết các tỉnh, thành phố.

Bệnh tay chân miệng là gì? Dấu hiệu và nguyên nhân gây bệnh?

Bệnh tay chân miệng là gì?

Bệnh tay chân miệng là gì?

Bệnh tay chân miệng là loại bệnh do nhiễm virus cấp tính (coxsackievirus A16, enterovirus 71) gây ra. Bệnh này lây truyền theo đường tiêu hóa và lây từ người này sang người khác qua việc tiếp xúc thông thường. Thường gặp ở trẻ nhỏ và có khả năng gây thành dịch lớn. Bệnh dễ lây cho trẻ, liên quan đến hành vi vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường không đảm bảo. Đặc biệt kỹ năng vệ sinh cho trẻ, chưa thực hiện rửa tay với xà phòng thường xuyên.

Thời điểm dễ xảy ra bệnh

Bệnh này xảy ra cả năm nhưng thường bùng phát vào mùa hè. Thời điểm từ tháng 4-6 và những tháng cuối năm, lúc giao mùa từ tháng 9-11. Những nơi đông dân cư, điều kiện vệ sinh kém tạo điều kiện cho mầm bệnh phát triển.

Dấu hiệu của bệnh tay chân miệng ở trẻ

Ở giai đoạn đầu, bé sẽ có biểu hiện tương tự như cảm lạnh và kéo dài 1-2 ngày. Các triệu chứng bao gồm: Sốt nhẹ, mệt mỏi, đau họng, biếng ăn…

Ở giai đoạn toàn phát, các triệu chứng bệnh chân tay miệng ở trẻ em sẽ kéo dài từ 3-10 ngày bao gồm:

  • Loét miệng với vết loét đỏ hoặc mụn nước có đường kính 2-3mm ở niêm mạc miệng, lợi, lưỡi.
  • Phát ban và nổi mụn nước ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, gối, mông.
  • Sau vài ngày những nốt ban hoặc mụn nước sẽ mờ dần và để lại vết thâm.
  • Trẻ vẫn sốt.
  • Có thể bị nôn nhiều lần trong ngày.

Dấu hiệu đặc trưng của bệnh là sốt, đau họng, tổn thương niêm mạc miệng. Da chủ yếu ở dạng phỏng nước thường thấy ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, đầu gối, mông. Hầu hết các ca bệnh đều diễn biến nhẹ. Tuy nhiên ở một số trường hợp, bệnh có thể diễn biến nặng. Đồng thời gây biến chứng nguy hiểm như viêm não-màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp dẫn đến tử vong. Chính vì vậy nên cần được phát hiện sớm, điều trị kịp thời.

Nguyên nhân gây bệnh

Các con đường lây lan:

  • Đường miệng
  • Các chất dịch được tiết ra từ dịch trong mũi hoặc phân của bé.

Các nguyên nhân gây bệnh tay chân miệng ở trẻ do:

  • Trẻ bị bệnh. Khi tiếp xúc với mọi người không đeo khẩu trang hay che chắn gì. Hoặc trẻ tiếp xúc với nước bọt của người bệnh trong không khí khi người bệnh hắt xì hơi hoặc ho.
  • Do khi chơi, trẻ vô tình hắt hơi, ho hay chảy nước mũi và dây ra đồ chơi, bất cứ ai cầm vào đồ chơi của bé hoặc tiếp xúc với sàn nhà nơi bé chơi cũng có thể lây bệnh.
  • Nếu người mẹ hoặc người trông trẻ bị bệnh tay chân miệng, tốt nhất hãy tránh xa bé. Vì chỉ cần ở chung phòng hoặc chạm vào người trẻ cũng khiến trẻ dễ nhiễm bệnh do sức đề kháng yếu.

Cảnh báo số ca mắc bệnh tay chân miệng đang tăng nhanh

Theo ông Lê Quang Hùng – Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Định, từ đầu năm đến ngày 8/4, số ca mắc tay chân miệng trên toàn tỉnh là 170 ca, tăng gấp 4 lần so với cùng kỳ năm 2020. Thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đồng Nai cho thấy, tính từ đầu năm đến ngày 13/4, toàn tỉnh ghi nhận hơn 1.800 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng, tăng 1.500 trường hợp so với cùng kỳ năm 2020.

Số ca bệnh tay chân miệng tăng nhanh

Bác sỹ Khổng Minh Tuấn – Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội cho biết từ đầu năm tới nay, địa bàn thành phố ghi nhận 82 trường hợp mắc tay chân miệng ở 28 quận, huyện, thị xã. So với cùng kỳ của năm trước, số trường hợp mắc bệnh tay chân miệng tại Hà Nội không tăng. Thống kê từ các cơ sở điều trị tại Hà Nội cho thấy, những trường hợp mắc bệnh tay chân miệng chủ yếu gặp ở lứa tuổi trẻ nhỏ (dưới 5 tuổi).

Theo hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm của Bộ Y tế từ đầu năm 2021 đến nay, cả nước ghi nhận hơn 18.000 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng, trong đó có 4 trường hợp tử vong tại Kiên Giang (02), An Giang (01) và Long An (01). So với cùng kỳ năm 2020, số trường hợp mắc bệnh tay chân miệng tăng 4 lần và gia tăng chủ yếu khu vực miền Nam và cục bộ tại một số tỉnh, thành phố như: Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Long An, Đồng Tháp, An Giang.

Bộ Y Tế đã có những hành động gì?

Để tăng cường phòng chống dịch bệnh tay chân miệng, nhằm giảm đến mức thấp nhất số trường hợp mắc bệnh, tử vong, không để dịch bệnh lan rộng và kéo dài, Bộ Y tế đã thực hiện các hành động vô cùng thiết thực và kịp thời:

Đối với các địa phương:

Có văn bản gửi Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Văn bản đề nghị tăng cường các hoạt động truyền thông tới người dân về các biện pháp phòng chống bệnh tay chân miệng, đảm bảo ăn uống hợp vệ sinh…

Đối với các cơ sở giáo dục: 

Đề nghị ngành giáo dục và đào tạo nhanh chóng triển khai các hoạt động phòng chống dịch bệnh tay chân miệng tại các cơ sở giáo dục. Đặc biệt là tại nhà trẻ, trường mẫu giáo. Các cơ sở giáo dục phải có đủ các phương tiện rửa tay, xà phòng. Có vị trí thuận tiện để người chăm sóc trẻ và trẻ em thực hiện rửa tay bằng xà phòng. Thực hiện vệ sinh lớp học, làm sạch bề mặt bàn ghế học tập và đồ chơi hàng ngày bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường. Khi phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh tại các cơ sở giáo dục, thông báo ngay cho cơ quan y tế địa phương để tổ chức khám, điều trị và xử lý ổ dịch kịp thời.

Đối với ngành y tế:

Yêu cầu các đơn vị trong ngành y tế tăng cường giám sát, phát hiện sớm ổ dịch. Xử lý triệt để tránh để dịch lây lan ra diện rộng. Tổ chức tốt việc phân tuyến điều trị tại các bệnh viện. Hạn chế việc chuyển tuyến các bệnh nhân trong khả năng điều trị nhằm giảm quá tải cho bệnh viện tuyến trên. Phân luồng khám bệnh, thu dung, cấp cứu, điều trị bệnh nhân. Cần lưu ý đối với các bệnh nhân nặng, hạn chế thấp nhất các trường hợp tử vong…

Các biện pháp phòng tránh bệnh

Phòng tránh bệnh tay chân miệng ở trẻ em

Để chủ động phòng chống bệnh tay chân miệng, người dân cần thực hiện các biện pháp sau:

  • Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng (cả người lớn và trẻ em). Đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn/cho trẻ ăn, trước khi bế ẵm trẻ,…
  • Ăn chín, uống sôi. Vật dụng ăn uống phải đảm bảo được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng. Tốt nhất là ngâm tráng nước sôi. Đảm bảo sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hàng ngày. Không mớm thức ăn cho trẻ; không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi. Không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống, đồ chơi chưa được khử trùng.
  • Thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hàng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, mặt bàn/ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường. Không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.
  • Sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh. Các chất thải của bệnh nhân phải được thu gom và đổ vào nhà tiêu hợp vệ sinh.
  • Khi phát hiện trẻ có các biểu hiện bất thường, người nhà cần đưa trẻ đi khám. Hoặc thông báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất.

Hi vọng với những thông tin thanhnien365 chia sẻ, các bậc phụ huynh sẽ luôn quan tâm và bảo vệ con em mình đúng cách.

Nguồn: Vietnamplus.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài đặc sắc