Có rất nhiều thảo dược giúp ta có thể giải nhiệt, nhiều tác dụng khác tốt cho sức khỏe. Trong đó ta không thể không kể đến đó là hoa cúc. Hoa cúc mang cho ta nhiều tác dụng như giúp ta giải nhiệt, mát gan hay sáng mắt….Tác dụng là như vậy, hoa cúc cũng không hề khó kiếm. Mang trong mình mùi hương dịu nhẹ và vô cùng dễ sử dụng. Nhiều người khi nhắc đến hoa cúc thì sẽ nghĩ đến trà. Tuy nhiên bên canh đó thì còn có những bài thuốc khác từ hoa cúc rất hay có thể bạn chưa biết. Sau đây hãy cùng thanhnien365 tìm hiểu qua về những bài thuốc đó nhé.
Công dụng của hoa cúc
Hoa cúc trắng (bạch cúc) có vị ngọt, hơi đắng, tính hàn. Có tác dụng tán phong, thanh nhiệt,giải nhiệt, mát gan, sáng mắt, chữa phong nhiệt cảm mạo, đau đầu, tăng huyết áp, chóng mặt, nhức đầu, mắt đỏ sưng đau, chảy nước mắt. Hoa cúc vàng (hoàng cúc) có vị đắng, cay, tính hơi ấm, tác dụng thanh nhiệt, giải độc,giải nhiệt, chữa mụn nhọt sưng đau, đau mắt đỏ, đau đầu chóng mặt, chữa cảm lạnh, cúm, viêm mũi, viêm da mủ, viêm tuyến vú, hoa mắt, tăng huyết áp, viêm gan, kiết lỵ, chảy nước mắt nhiều.
Bài thuốc có hoa cúc
Chữa đau đầu, huyết áp cao
Đau đầu do phong nhiệt: Hoa cúc 15g, lá dâu 12g, liên kiều 10g, bạc hà 10g, sắc uống. Hoa cúc 10g, xuyên khung 10g, thạch cao 6g. Tất cả tán mịn, mỗi lần uống 5g với nước trà.
Tăng huyết áp: Hoa cúc trắng 20g, táo đỏ 3 quả, sắc uống. Hoa cúc trắng 15g, hoa hòe 10g, đậu phộng 5g, sắc uống ngày 1 thang, dùng liền 15 ngày. Cúc hoa 30g, kim ngân hoa 30g (người bị chóng mặt nhiều thêm lá dâu 12g, người bị xơ cứng động mạch, cholesterol máu cao thêm 25g sơn tra thái nhỏ) trộn đều, chia 4 phần dùng nước sôi để hãm trong 15 phút dùng uống thay trà, không được đun vì sẽ phá hủy các thành phần có tác dụng.
Chữa các bệnh liên quan đến thần kinh
Chứng mất ngủ, thần kinh căng thẳng: Hoa cúc 1 kg, xuyên khung 400g, đơn bì 200g, bạch chỉ 200g, trộn đều, dùng làm ruột gối để nằm, mỗi gối có thể nằm liên tục trong 6 tháng.
Bệnh mạch vành: Hoa cúc trắng 300g, dùng nước ấm ngâm qua đêm, hôm sau sắc 2 lần (với hơn 1 lít nước), mỗi lần sắc 30 phút, chờ sau khi lắng đọng, bỏ bã, lại nấu cô còn 500ml. Chia 2 lần uống, lần 250ml, hai tháng là 1 liệu trình. Hoa cúc 40g, thêm 250ml nước sắc còn 100ml, chia 2 lần uống trong ngày, hai tháng là 1 liệu trình. Tam thất, đẳng sâm, đơn sâm, hoa cúc trắng hãm với nước sôi trong 15 phút rồi uống.
Với người hồi hộp và tức ngực thì dùng nhiều đảng sâm và hoa cúc trắng. Người đau ngực dùng nhiều đơn sâm và tam thất. Người tăng huyết áp, dùng nhiều hoa cúc, ít đảng sâm.
Chữa các bệnh về mắt
Chứng mờ mắt do can thận suy yếu: Hoa cúc 10g, câu kỷ tử 10g, thục địa 15g, sắc uống.
Hoa mắt, chóng mặt: Hoa cúc trắng 15g, hoa thiên lý 15g, ngải cứu 10g, rau má 10g, lá đinh lăng 10g, sắc uống ngày 1 thang, chia 3 lần trong ngày, uống liền 1 tuần.
Bổ máu, sáng mắt: Hoa cúc 30g, lá dâu phơi sương 30g, dùng nước nấu kỹ, bỏ bã, lại nấu đặc, cho ít mật ong cô thành dạng cao, mỗi lần uống 15g với nước đun sôi để nguội.
Một số bệnh khác
Mụn cóc: Hoa cúc 50g, dùng rượu trắng 40 độ 150ml ngâm trong 3 ngày, bỏ bã, thêm nước vừa đủ, tiềm với đường phèn, ngày 1 lần, dùng liền 3 ngày là 1 liệu trình. Ngưng thuốc, theo dõi trong 3 ngày, nếu chưa thấy hiệu quả thì dùng tiếp liệu trình thứ hai.
Viêm tuyến vú: Hoa cúc vàng 30g, kim ngân hoa 15g, bồ công anh 15g, cam thảo 10g. Sắc uống ngày 1 thang, chia 3 lần trong ngày, uống cho đến lúc lành bệnh.
Viêm amidan ở giai đoạn mãn tính: Lấy 40g hoa cúc trắng đem nấu chung với 30g lá tía tô làm trà uống mỗi ngày để chữa amidan mãn tính.
Trà hoa cúc
Đây là một loại trà thảo mộc có thành phần chính từ hoa cúc khô. Theo nhiều nghiên cứu, hoa cúc dùng làm trà có tên khoa học là Chrysanthemum Indicum, họ Asteraceae, có vị đắng, cay, tính mát, tác dụng thanh nhiệt, giải độc, bổ não và chữa suy nhược thần kinh.
Thức uống này cũng được xem là một loại thức uống thanh tao, đầy thi vị trong văn hóa uống trà phong phú của người Việt Nam.
Lợi ích của trà hoa cúc
Chữa đau bụng kinh nguyệt
Trà hoa cúc làm tăng hoạt chất giúp giảm co thắt cơ tử cung trong thời kỳ “đèn đỏ”. Từ đó, làm dịu các cơn đau bụng kinh khó chịu.
Bạn cũng có thể dùng dầu chiết xuất từ hoa cúc thoa vào bụng dưới để xoa dịu chứng đau bụng kinh. Tuy nhiên, các mẹ bầu nên cẩn thận khi sử dụng trà hoa cúc bởi loại thảo dược này có thể tác động tới bào thai trong bụng.
Tiêu độc, nhuận gan
Trà hoa cúc kết hợp với hoa kim ngân và bồ công anh là một bài thuốc giúp tiêu độc, nhuận gan, chữa mụn nhọt, ghẻ ngứa và viêm gan cấp tính. Bạn cũng có thể dùng hoa cúc kết hợp với nấm phục linh để giúp sắc mặt tươi tắn hơn với làn da sáng mịn.
Ngăn ngừa ung thư
Nghiên cứu tại Mỹ phát hiện chất apigenin trong trà hoa cúc có tác dụng ngăn ngừa tế bào ung thư lan rộng. Và giúp các thuốc trị ung thư phát huy tác dụng hơn. Trong các nghiên cứu ống nghiệm, apigenin đã được chứng minh là chống lại các tế bào ung thư. Đặc biệt là các tế bào vú, đường tiêu hóa, da, tuyến tiền liệt và tử cung.
Ngoài ra, một nghiên cứu trên 537 người đã quan sát thấy rằng: Những người uống trà hoa cúc 2 – 6 lần, mỗi tuần có khả năng mắc ung thư tuyến giáp ít hơn đáng kể so với những người không uống trà hoa cúc.
Lợi ích khác
Một nghiên cứu lâm sàng đã phát hiện ra rằng các thành phần hoạt tính trong hoa cúc có tác dụng kháng sinh chống lại một số loại vi khuẩn; đặc biệt là streptococcus và staphylococcus.
Thức uống này cũng có thể làm dịu cơn đau đầu do căng thẳng, trị hôi miệng và khô miệng. Thêm vào đó, trà giúp cơ thể thư giãn bằng cách làm dịu thần kinh và thanh lọc tâm trí.
Những điều kiêng kỵ khi sử dụng hoa cúc
Không dùng hoa cúc trong các trường hợp sau:
- Không nên dùng hoa cúc cho trẻ em, phụ nữ mang thai hoặc đang cho con bú.
- Đối tượng có tiền sử bị dị ứng với hoa cúc hoặc một trong các thành phần của dược liệu.
Hoa cúc có thể tương tác với những thuốc bạn đang dùng hay tình trạng sức khỏe hiện tại của bạn. Nên tham khảo ý kiến tư vấn của bác sĩ trước khi sử dụng hoa cúc.
Nguồn: Suckhoedoisong.vn