Bài thuốc từ lá dâu tằm

Lá dâu tằm: những công dụng bất ngờ ít ai biết!!!

Bài thuốc hay Sức Khỏe
Mất:4 phút, 43 giây để đọc

Có thể nói rằng, dâu tằm là một loại cây sẽ được nhiều người biết tới, nó là một loại cây quen thuộc với mọi người. Người ta thường biết đến dâu tằm vì trái của nó rất ngon và cho nhiều tác dụng. Ta có thể dùng để ngâm rượu, pha siro và phối hợp với nhiều thực phẩm khác để tạo ra món ăn. Lá của cây thì thường sẽ cho tằm ăn và được dùng để làm tơ sau này. Tuy nhiên, bên cạnh việc cho tằm ăn để nhả tơ. Lá cây dâu tằm còn là một bài thuốc Đông y dùng để phòng bệnh mà ít ai biết đến. Sau đây hãy cùng thanhnien365 tìm hiểu qua nhé.

Thành phần trong lá dâu tằm

Lá dâu còn gọi tang diệp, tên khoa học: Folium Mori albae, là lá cây Dâu tằm (Morus alba L.), thuộc họ Dâu tằm (Moraceae). Trong lá dâu có các hợp chất gelatin, carotene, tannin, sinh tố C, B1, B2, cholin, adenin, trigonellin; các loại đường fructose, saccharose, glucose; acid folic, purine glutamic, glutathione; các nguyên tố: Cu, Zn, B.

Cây dâu tằm

Công dụng của lá dâu tằm

Theo Đông y, lá dâu đắng ngọt, tính hàn; vào phế và can. Tác dụng phát tán phong nhiệt, thanh phế chỉ khái, thanh can minh mục. Trị cảm mạo phong nhiệt, đau đầu, đau mắt đỏ, viêm khí phế quản, ho khan ít đờm, khát nước khô miệng. Liều dùng và cách dùng: 6-15g; có thể nấu, hãm, sắc…

Tán nhiệt, giải biểu: Trị cảm mạo phong nhiệt mới phát, miệng khát, rêu lưỡi hơi vàng hoặc ho do phong ôn. Dùng bài: tang diệp 12g, cúc hoa 12g, liên kiều 12g, bạc hà 4g, cam thảo 4g, hạnh nhân 12g, cát cánh 8g, lô căn 20g. Sắc uống.

Các bài thuốc chữa bệnh

Mát gan, sáng mắt

Trị chứng phong nhiệt ở kinh can, mắt đỏ sưng đau.

Bài 1: tang diệp 63g, mang tiêu 12g. Sắc lá dâu trước lấy 500ml nước, bỏ bã, hòa tan mang tiêu, rửa mắt khi còn ấm. Trị đau mắt hột, đau mắt, ngứa mắt.

Bài 2: tang diệp 12g, cúc hoa 12g, thảo quyết minh 8g. Sắc uống. Trị viêm màng tiếp hợp, mắt đỏ sưng đau.

Lá dâu tằm

Mát phổi, dịu ho

Trị ho do phong nhiệt, biểu hiện đờm vàng đặc hoặc ho khan không đờm.

Bài 1 – Thang tang hạnh: tang diệp 8g, hạnh nhân 12g, bối mẫu 8g, đậu xị 4g, chi tử bì 8g, lê bì 8g, sa sâm 8g. Sắc uống. Trị ho khan không đờm do khí hanh mùa thu, đau đầu, phát sốt, lưỡi đỏ.

Bài 2: tang diệp 12g, cúc hoa 12g, liên kiều 12g, bạc hà 4g, cam thảo 4g, hạnh nhân 12g, cát cánh 8g, lô căn 20g. Sắc uống.

Một số bài thuốc khác

Hạ huyết áp: tang diệp 20g, tang chi 20g, sung úy tử 20g. Các vị cho vào nồi, đổ 1.000ml nước, sắc lấy 600ml; ngâm rửa chân 30-40 phút trước khi đi ngủ.

Tang cúc đạm trúc ẩm: tang diệp 6g, cúc hoa 6g, đạm trúc diệp 30g, bạch mao căn 30g, bạc hà 4g. Tất cả hãm với nước sôi, thêm chút đường uống thay trà. Dùng tốt cho người bị sốt, ho khan ít đờm, vã mồ hôi do cảm mạo phong nhiệt, viêm kết mạc mắt cấp tính.

Trị chảy máu cam: lấy một nắm lá dâu tằm vò nhẹ và nhét trực tiếp vào lỗ mũi, máu sẽ nhanh chóng được cầm lại ngay lập tức.

Trị đau mắt đỏ: dùng lá dâu tằm hãm với nước sôi, để nguội và rửa mặt hằng ngày cũng sẽ rất nhanh khỏi (tốt nhất là lá dâu thu hoạch trong tháng chạp).

Trị bệnh bằng trà

Trà tang diệp cúc hoa kỷ tử quyết minh tử: tang diệp 9g, cúc hoa 9g, kỷ tử 9g, quyết minh tử 6g. Tất cả pha nước sôi uống thay trà. Dùng tốt cho người bị đau đầu hoa mắt chóng mặt.

Trà lá dâu

Trà tang diệp cúc hoa bạc hà cam thảo: tang diệp 10g, cúc hoa 10g, bạc hà 10g, cam thảo 10g. Tất cả cho vào ấm, đổ nước sôi pha hãm uống thay nước trà. Trị cảm mạo phong nhiệt.

Trị bệnh bằng các món ăn

Cháo tang diệp cúc hoa: tang diệp 10g, cúc hoa 12g, đậu xị 10g, gạo tẻ 60g. Các dược liệu nấu sắc lấy nước. Gạo vo sạch nấu cháo, cháo được cho nước sắc thuốc vào, đun tiếp một lát, ăn nóng. Dùng tốt cho người đau nhức vùng mắt do viêm kết mạc, đau dây thần kinh số V do chấn thương vùng mặt.

Phổi lợn hầm tang diệp huyền sâm: tang diệp 15g, huyền sâm 20g, phổi lợn 250g. Tang diệp, huyền sâm gói trong vải xô, phổi lợn rửa sạch thái lát. Tất cả hầm kỹ, bỏ túi dược liệu, thêm gia vị thích hợp để ăn. Đợt dùng liên tục 5-10 ngày. Món này tốt cho người viêm tắc tuyến lệ gây viêm khô kết mạc mắt.

Một số lưu ý khi sử dụng lá dâu

  • Không dùng tang diệp khi ban sởi đã mọc.
  • Khi cơ thể bị suy yếu, mệt mỏi, ho không có đờm hoặc ho do lạnh, không nóng sốt thì tuyệt đối không nên sử dụng dâu tằm.
  • Người bị tiêu chảy kéo dài hoặc đau bụng không nên sử dụng các vị thuốc được chế biến từ cây dâu tằm.
  • Không dùng các bài thuốc dâu tằm cho phụ nữ đang cho con bú.

Nguồn: Suckhoedoisong.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài đặc sắc