Nguyên nhân và cách điều trị bệnh viêm đường ruột ở trẻ

Bệnh trẻ em Sức Khỏe
Mất:8 phút, 8 giây để đọc

Viêm đường ruột là loại bệnh về đường tiêu hoá thường rất hay gặp ở trẻ nhỏ.  Nguyên nhân chính là do hệ tiêu hoá của trẻ còn non nớt, rất dễ bị các loại vi khuẩn, virus tấn công đường ruột. Một số loại bệnh viêm đường ruột phổ biến như tiêu chảy, rối loạn tiêu hoá, nôn trớ… Một số trẻ có tình trạng bệnh năng hơn như tắc ruột, viêm ruột thừa, bệnh tả… Bệnh có nhiều mức độ nặng nhẹ với nhiều triệu chứng khác nhau, tuy nhiên nhiều trường hợp nặng có thể khiến trẻ tử vong nếu như không được điều trị kịp thời. Các cha mẹ cần chú ý đến tình trạng sức khoẻ của con em mình để tránh các trường hợp xấu xảy ra. Hãy tìm hiểu các thông tin cần thiết về các loại bệnh viêm đường ruột ở trẻ và phương pháp điều trị ngay dưới đây:

Bệnh viêm đường ruột ở trẻ là gì?

Viêm đường ruột ở trẻ là tình trạng ruột bị viêm do virus hoặc vi khuẩn tấn công. Thông thường, các trường hợp bị viêm ruột do virus tấn công (Rotavirus, Calicivirus, Astrovirus hoặc Adenovirus) phổ biến hơn vi khuẩn (Shigella, Staphylococcus, Salmonella, Campylobacter, hoặc E. coli). Tuy nhiên, mức độ nguy hiểm của vi khuẩn lại nghiêm trọng hơn.

Virus gây bệnh viêm đường ruột ở trẻ em

Viêm đường ruột là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ em. Việc nắm rõ kiến thức về nguyên nhân, triệu chứng và những lưu ý trong chăm sóc và điều trị giúp cha mẹ xử lý kịp thời, hiệu quả, phòng ngừa vấn đề không may xảy ra.

Nguyên nhân khiến trẻ bị mắc các bệnh viêm đường ruột

Trẻ sơ sinh là đối tượng rất dễ bị mắc các bệnh viêm đường ruột. Nguyên nhân do đường ruột của bé còn non yếu và chưa phát triển toàn diện. Do vậy, hệ tiêu hóa của bé rất dễ bị virus, vi khuẩn xâm nhập và gây nên tình trạng viêm. Dưới đây là các yếu tố nguy cơ khiến trẻ dễ bị viêm ruột:

  • Pha sữa không hợp vệ sinh
  • Đồ chơi của bé bị bẩn
  • Trẻ có thói quen mút tay hoặc cắn đồ chơi
  • Môi trường xung quanh bị ô nhiễm, đặc biệt là ô nhiễm nước và không khí
  • Trẻ đến nơi đông người như chợ, bến xe…

nguyên nhân khiến trẻ bị bệnh viêm đường ruột

Theo các chuyên gia, trẻ thường dễ bị viêm ruột vào mùa lạnh hơn mùa nóng. Khi mắc bệnh, trẻ thường có các biểu hiện như chảy nước mũi, nôn ói, đau bụng, tiêu chảy… Nếu tình trạng tiêu chảy kéo dài dễ khiến trẻ mất nước và chất điện giải, suy kiệt, thậm chí gây tử vong.

Các loại bệnh viêm đường ruột thường gặp ở trẻ

Bệnh tiêu chảy ở trẻ nhỏ

Đây là một vấn đề hết sức đáng lo ngại của các bậc cha mẹ. Vào mùa hè, trẻ thường thích thú với các món ăn vặt như kem, siro, đá bào,…để hạ nhiệt. Tuy nhiên, đa số những món ăn vặt thông thường sẽ không đảm bảo an toàn vệ sinh. Nó chính là thủ phạm gây tiêu chảy ở trẻ. Bênh cạnh đó những vi khuẩn, vi rút tồn tại trong môi trường sống có thể tấn công trẻ nhỏ bất cứ lúc nào nếu gặp điều kiện thuận lợi.

Dấu hiệu của trẻ bị bệnh viêm đường ruột

Dấu hiệu trẻ bị tiêu chảy là khi đi phân lỏng trên 3 lần/ngày, đau bụng, buồn nôn. Trẻ bị đầy hơi, chướng bụng và có biểu hiện mất nước.

Bệnh kiết lỵ

Kiết lỵ là bệnh do ký sinh trùng amip và trực khuẩn shigella gây nên. Các biểu hiện thường gặp của trẻ bị bệnh kiết lỵ như đi tiêu ra phân có kèm chất nhầy và máu. Trẻ bị sốt cao, đau bụng, luôn có cảm giác muốn đi vệ sinh. Nếu để tình trạng bệnh nặng và kéo dài, trẻ có thể bị kiệt sức, hôn mê rồi tử vong. Bệnh kiết lỵ thường kéo dài trong nhiều ngày. Nếu ký sinh trùng amip xâm nhập vào gan có thể gây áp xe gan. Trẻ bị kiết lỵ do trực khuẩn shigella bị biến chứng có thể tử vong ngay trong 24 giờ.

Bệnh tắc ruột

Tắc ruột là tình trạng không thể đi vệ sinh được. Trẻ sơ sinh bị tắc ruột thường là do xoắn ruột, phình đại tràng bẩm sinh, lồng ruột hoặc mắc chứng thoát vị bẹn khiến ruột bị nghẹt. Biểu hiện của trẻ bị tắc ruột là nôn ói liên tục, có khi nôn ra nước mật. Khi trẻ bị tắc ruột, cần đưa trẻ đến bệnh viện càng sớm càng tốt.

Bệnh tả

Tả là một trong những bệnh đường ruột ở trẻ nhỏ rất nguy hiểm. Bệnh dễ dàng lây lan thành ổ dịch lớn và có khả năng gây tử vong nhanh chóng. Biểu hiện của bệnh tả bao gồm tiêu chảy, đi cầu ra nước màu trắng đục, đau bụng. Trẻ còn bị nôn ói liên tục. Điều này khiến bệnh nhân nhanh chóng bị mất nước, kiệt sức và tử vong nhanh.

Nguyên nhân gây ra bệnh tả chính là do vi khuẩn tả. Vi khuẩn này thường ẩn chứa ở những nơi dơ bẩn, các loại thức ăn kém vệ sinh, bị ôi thiu, thức ăn chưa được nấu chín, thức ăn bị ruồi nhặng đậu vào. Khi trẻ nhỏ ăn phải các thức ăn chứa vi khuẩn tả sẽ bị nhiễm bệnh. Để phòng tránh bệnh tả cần giữ gìn vệ sinh sạch sẽ, đảm bảo vệ sinh khi chế biến thức ăn cho trẻ. Cho trẻ ăn chín, uống sôi. Không ăn các thực phẩm không rõ nguồn gốc. Tập cho trẻ thói quen rửa tay sau khi đi vệ sinh và trước khi ăn.

Ngoài ra còn có các loại bệnh viêm đường ruột khác như táo bón, trào ngược dạ dày thực quản, rối loạn tiêu hoá…

Các cách điều trị viêm đường ruột ở trẻ hiệu quả mà phụ huynh nên biết

Viêm ruột ở mức độ nhẹ

Trẻ bị bệnh viêm đường ruột với nhiều mức độ khác nhau

Với trẻ vẫn còn đang ở độ tuổi bú mẹ, các mẹ hãy tích cực cho bé bú để bù lại lượng nước đã mất do tiêu chảy gây nên. Nên chia thành nhiều lần, không nên để trẻ bú quá no trong 1 cữ. Đối với trẻ bú bình, nên pha loãng lượng sữa cho bé, tức lượng sữa không thay đổi nhưng tăng lượng nước pha lên. Mỗi cữ uống nên cách nhau ít nhất 3 tiếng. Trẻ bị viêm ruột ở mức độ nhẹ nếu được chăm sóc và điều trị đúng cách. Chỉ 1 đến 2 ngày sẽ hết bệnh.

Đối với các trường hợp trẻ bị viêm nặng

Khi tình trạng đi ngoài diễn ra nhiều lần (trên 5 lần) tức là trẻ đang bị viêm ruột ở mức độ nặng. Bên cạnh đó, trẻ còn có các biểu hiện khác như: phân có lẫn máu hoặc dịch nhầy, nôn mửa, chân tay lạnh, mắt lừ đừ… Trong trường hợp này, cha mẹ nên nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để khám và xử lý kịp thời.

Bác sĩ sẽ tiến hành truyền nước, cho trẻ uống chất bù điện giải và một số loại thuốc phù hợp khác. Một số trường hợp trẻ sơ sinh bị viêm ruột nặng dẫn đến tắc ruột hoặc hoại tử, bác sĩ có thể phải tiến hành phẫu thuật. Cha mẹ không được tự ý mua thuốc đau bụng, kháng sinh hoặc cầm tiêu chảy cho trẻ. Bởi đa số các loại thuốc này đều chống chỉ định cho trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ sơ sinh. Đã có không ít trường hợp tự ý dùng thuốc khiến trẻ bị sốc phản vệ, viêm đường ruột nặng hơn. Thậm chí là nguy hiểm đến tính mạng.

Phương pháp chăm sóc trẻ khi bị mắc bệnh viêm ruột

Bên cạnh phác đồ điều trị của bác sĩ, cha mẹ cũng nên biết cách chăm sóc trẻ phù hợp để trẻ nhanh hết bệnh. Vậy khi trẻ bị viêm đường ruột nên lựa chọn những loại thức ăn gì và kiêng ăn gì?

Phương pháp chăm sóc trẻ bị bệnh viêm đường ruột

Nên ăn gì?

  • Cần tích cực bù nước và chất điện giải cho bé. Tuy nhiên cần lưu ý, không cho trẻ uống quá. nhiều 1 lúc. Mẹ nên chia nhỏ thành nhiều lần với lượng nhỏ nhất định để cơ thể hấp thu từ từ.
  • Không nên cho trẻ uống vào lúc bị nôn.
  • Mẹ vẫn nên cho bé ăn bình thường. Một chế độ ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng sẽ khiến trẻ nhanh phục hồi hơn. Với trẻ sơ sinh đang bú, mẹ cho bú thành nhiều cữ. Với những trẻ đang ăn dặm, nên cho bé ăn các món lỏng như cháo loãng, súp,…

Kiêng ăn gì?

Khi con có các triệu chứng của bệnh tiêu chảy do bị viêm ruột, các mẹ không nên cho bé dùng các loại đồ uống như:

  • Nước giải khát có ga, nước trái cây chưa được pha loãng. Bởi những đồ uống này sẽ có lượng đường lớn. Điều này sẽ khiến tình trạng tiêu chảy ở trẻ nghiêm trọng hơn
  • Trà và cà phê có thể sẽ khiến tình trạng mất nước ở trẻ nặng hơn

Với những thông tin được chúng tôi chia sẻ trên đây, mong rằng cha mẹ sẽ có những kiến thức cơ bản để sớm nhận ra dấu hiệu mắc bệnh viêm đường ruột ở trẻ. Từ đó có phương pháp xử lý đúng đắn và kịp thời.

Nguồn: colon.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài đặc sắc