Sau mỗi trận đòn roi và nước mắt, trẻ có thể phải vâng lời cha mẹ. Thế nhưng đây chỉ là giải pháp tạm thời chứ không phải thứ hiệu quả cho con. Điều chúng học được chỉ là sợ ăn đòn. Chứ trẻ không phải vì muốn làm điều đúng đắn mà nghe lời. Đồng thời, phương pháp này cũng sẽ khiến trẻ mắc các bệnh về tâm lý và thể chất. Chúng sẽ khó bày tỏ và tin tưởng với cha mẹ. Bởi vì con trẻ sẽ nghĩ rằng chỉ cần chúng nói hoặc làm điều gì sai thì sẽ có nguy cơ bị đánh đòn. Vậy đâu là phương pháp hiệu quả nhất của nuôi dạy con? Vậy làm sao để con cái nghe lời mà không cần dùng đến roi vọt? Hãy cùng Thanhnien365 tìm hiểu vấn đề nan giải này ngay nhé!
Tác hại của dạy con bằng đòn roi
Các nghiên cứu cho thấy rằng việc dùng bạo lực không phải là cách hiệu quả để kỷ luật một đứa trẻ bởi chúng ta cần thay đổi từ trong suy nghĩ và tìm nguyên nhân đằng sau những hành vi không đúng của chúng. Nói cách khác, trẻ em cần phải hiểu vì sao chúng làm như thế là không đúng và cha mẹ nên giải thích hợp lý hơn là dùng bạo lực. Đòn roi chỉ là cách ngăn chặn tức thời các hành vi xấu của con.
Trẻ em bị trừng phạt về thể xác trong suốt thời thơ ấu có xu hướng sử dụng bạo lực đối với trẻ em và bạn tình của chúng khi lớn lên. Thậm chí những đứa trẻ từng bị lạm dụng bạo lực có nguy vi phạm pháp luật cao hơn. Nếu một người mẹ hoặc người cha tát hoặc đánh con để giải quyết hành vi sai trái hay xung đột với con thì chúng sẽ ngay lập tức học việc dùng vũ lực với người khác.
Nếu người yêu của bạn đánh bạn, bạn sẽ nghĩ anh ấy còn yêu mình chứ? Tất nhiên là không và điều đó cũng tương tự với một đứa trẻ. Nếu cha mẹ dùng đòn roi với con, chúng sẽ bắt đầu nghi ngờ về tình yêu của bố mẹ dành cho chúng và cảm thấy mình không còn được yêu thương. Lâu dần tình trạng này có thể dẫn đến trầm cảm. Việc liên tục phải chịu đựng đòn roi có thể khiến đứa trẻ căng thẳng, làm suy giảm hệ thống miễn dịch của cơ thể và khiến sức khỏe của trẻ bị yếu đi, dễ mắc bệnh.
Phương pháp giáo dục trẻ không cần đòn roi
Đưa ra những hình phạt thay vì đòn roi
Hãy đặt ra những quy tắc rõ ràng với trẻ. Việc đưa quy tắc rõ ràng sẽ giúp bạn giảm đi những lần phải la hét, cáu gắt. Ví dụ như thời gian ăn uống, thời gian chơi, dọn dẹp sau khi chơi xong,… Bạn phải luôn giải thích những hậu quả nếu trẻ không làm đúng theo những quy định này, đi kèm với đó là những hình phạt nếu trẻ vi phạm quy tắc.
Nói chuyện với trẻ như người lớn
Hãy nói chuyện với con như một người lớn, giải thích tại sao con lại mắc lỗi và tại sao lại bị phạt. Cha mẹ có thể đưa ra các lựa chọn: sẽ bị cắt giảm tiền tiêu vặt hoặc sẽ phải rửa chén đĩa trong một tuần. Hãy để trẻ có quyền lựa chọn ngay cả khi con phạm sai lầm. Đừng phạt chúng đứng một góc trong thời gian dài để suy nghĩ về hành vi. Cố gắng truyền đạt và tìm ra hướng giải quyết giúp con sửa sai.
Tạo một trò chơi thay vì sử dụng đòn roi
Thật dễ dàng khi yêu cầu trẻ làm gì nếu biến điều đó thành một trò chơi. Buổi sáng nếu con chưa chịu thay đồ đi học, cha mẹ có thể thử một trò chơi, ví dụ đố con rằng: “Xem con có thể mặc quần áo khi nhắm mắt hay không?” Trẻ con thường rất thích chơi. Do đó, chúng sẽ thực hiện các công việc buổi sáng nhanh hơn mà không cần đến những lời la mắng giục giã của cha mẹ.
Đừng dùng đòn roi mà hãy dùng lời khen
Cha mẹ không nên đưa ra những lời ra lệnh mà hãy dẫn dắt con để con làm đúng. Luôn khen ngợi khi con làm tốt một việc gì đó để trẻ cảm thấy mình đã làm được việc tốt và được bố mẹ tôn trọng.
Tìm hiểu nguyên nhân
Nếu sau tất cả bạn vẫn không “trị” được đứa con của mình. Bạn đừng tiếp tục la mắng hoặc sử dụng đòn roi với con. Hãy cố gắng tìm hiểu xem tại sao con lại phản ứng như vậy. Nếu bạn đang la hét vì tức giận, hãy học cách để bình tĩnh lại. Điều này sẽ giúp bạn làm gương cho con về việc kiểm soát được cảm xúc của mình. Những trẻ ăn vạ, la hét khi bị la mắng có xu hướng là bố mẹ chúng cũng là người thích la hét và áp dụng những cách dạy con nghe lời tiêu cực.
Nguồn: giadinh.net.vn