Nếu con bạn đang có biểu hiện chán ăn, bỏ bữa, ngậm thức ăn lâu, quấy khóc, không chịu ăn… Có thể bé đang bị mắc chứng bệnh biếng ăn. Đây là tình trạng phổ biến và rất hay gặp ở các em nhỏ. Đối với các bé bị biếng ăn, lười ăn thì nhiều bậc phụ huynh sẽ phải đau đầu và gặp khá nhiều vất vả khi chăm sóc cho các bé. Nếu để tình trạng này kéo dài, các bé sẽ không thể phát triển toàn diện cả về thể chất lẫn tinh thần. Về lâu dài, trẻ có thể bị suy dinh dưỡng, còi xương hoặc mắc các bệnh về đường ruột, tiêu hoá. Điều này còn ảnh hưởng đến sức đề kháng của bé. Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu rõ các nguyên nhân gây nên chứng biếng ăn ở trẻ để có thể đưa ra giải pháp khắc phục và cải thiện chế độ dinh dưỡng của con bạn ngay nhé!
Một số biểu hiện của bệnh biếng ăn ở trẻ
Biếng ăn là tình trạng rối loạn ăn uống thường gặp ở trẻ và ở hầu hết các lứa tuổi. Trẻ biếng ăn có nhiều biểu hiện khác nhau như:
- Trẻ sẽ ăn ít hơn bình thường, có thể bỏ bữa.
- Trẻ ngậm thức ăn trong miệng lâu, không nhai và không chịu nuốt. Thời gian ăn kéo dài rất lâu.
- Không chịu ăn một số loại thức ăn như thịt, cá, trứng, sữa hoặc từ chối ăn tất cả các loại thức ăn.
- Trẻ khóc hoặc tìm cách quấy rối khi thấy dọn thức ăn ra. Nhìn thấy thức ăn sẽ có phản ứng buồn nôn. Bố, mẹ cho ăn sẽ không chịu ăn nhưng người khác cho ăn lại ăn…
Nguyên nhân khiến trẻ bị biếng ăn
Theo các chuyên gia, có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng biếng ăn ở trẻ em. Dưới đây là một số nguyên nhân thường gặp như:
Thiếu ăn
Đây là một trong những nguyên nhân đầu tiên phải kể tới. Người mẹ khi mang thai thiếu ăn (thiếu các chất như sắt, canxi, kẽm, thiếu các vitamin…). Từ đó dẫn tới trẻ bị thiếu ăn và suy dinh dưỡng ngay từ trong bụng mẹ. Kết quả là trẻ sinh non tháng, thiếu cân dẫn tới lười bú mẹ ngay từ những tháng đầu sau khi sinh. Những trẻ sinh thường, đủ cân có thể lười bú mẹ, bỏ bú mẹ hoặc đang ăn sữa ngoài bình thường tự nhiên giảm lượng ăn hoặc bỏ hẳn sữa ngoài.
Đối với các trẻ có độ tuổi lớn hơn cũng có thể xảy ra tình trạng như vậy. Trẻ gặp tình trạng này cũng do thiếu ăn (khẩu phần ăn không cân đối, thiếu chất) dẫn tới thiếu các loại vitamin B, C, D, thiếu Magie. Đặc biệt là tình trạng thiếu kẽm làm cho trẻ rất biếng ăn… Khi cho trẻ ăn bổ sung quá sớm, khẩu phần ăn không cân đối có nhiều tinh bột cũng làm cho trẻ bị biếng ăn.
Trẻ biếng ăn do vấn đề sức khoẻ
Trẻ bị ốm và mắc các bệnh cấp tính do bị nhiễm khuẩn, nhiễm virus hệ hô hấp, hệ tiêu hoá (viêm dạ dày, viêm ruột…). Khi trẻ bị nhiễm khuẩn thì hàm lượng các vitamin và các chất khoáng bị mất đi rất lớn, nhất là vitamin B, C, D, B6, magie, sắt, kẽm làm cho trẻ biếng ăn. Hơn nữa, trẻ bị nhiễm khuẩn thường được cha mẹ cho sử dụng thuốc kháng sinh. Do vậy dễ dẫn đến loạn khuẩn đường ruột cùng với các tổn thương thực thể tại hệ tiêu hoá. Trẻ sẽ bị chướng bụng, khó tiêu, dễ biếng ăn.
Do chế độ ăn của trẻ
Khi cha mẹ cho trẻ ăn bổ sung quá sớm, khẩu phần ăn không cân đối. Có nhiều tinh bột cũng sẽ làm cho trẻ bị biếng ăn. Trong vài tuần đầu, khi mới ăn bổ sung thì trẻ ăn rất ngon miệng. Sau đó trẻ ăn kém dần do nhu cầu vitamin nhóm B (nhất là vitamin B1), Magie bị thiếu hụt.
Trẻ không tiêu hoá hết thức ăn
Đây cũng là một nguyên nhân rất quan trọng gây ra tâm lý biếng ăn, sợ ăn của trẻ. Bởi vì lượng ăn mà trẻ hấp thu không được tiêu hóa hết sẽ khiến trẻ luôn có cảm giác no, không muốn ăn.
Do thói quen xấu mà cha mẹ tạo ra cho trẻ
Trong quá trình sinh hoạt hằng ngày, cha mẹ có thể vô tình tạo ra cho trẻ những thói quen xấu khiến trẻ biếng ăn. Một số thói quen xấu như trong mỗi bữa ăn, bạn cho trẻ ăn lâu, để trẻ ngậm thức ăn lâu không nuốt và không nhai. Những điều này sẽ khiến trẻ chỉ muốn ăn thức ăn dạng lỏng, sợ nuốt và không thích ăn các loại thức ăn cần nhai như cơm, rau củ quả, thịt cá… Ngoài ra, bạn còn cho trẻ ăn quà vặt, bánh kẹo, nước ngọt trước bữa ăn… sẽ làm trẻ bị đầy bụng, chán ăn.
Việc cha mẹ thường xuyên chiều chuộng con, cho trẻ ăn đồ ăn chúng yêu thích trong một thời gian dài có thể khiến các bé kén ăn. Để lâu dần, việc này có thể dẫn đến mất cân bằng chất dinh dưỡng do không ăn đủ chất. Trẻ sẽ từ chối ăn các thức ăn giàu dưỡng chất mà trẻ không thích. Tuy nhiên, trẻ cũng có thể biếng ăn do ăn một món quá nhiều lần khiến trẻ bị ngán.
Nguyên nhân tâm lý (Biếng ăn tâm lý)
Khi trẻ bị ốm, mọc răng… trẻ dễ bị biếng ăn. Chưa kịp ăn ngon miệng trở lại thì bị người lớn thúc ép ăn. Hoặc trẻ mải chơi trong khi người lớn thúc ép về mặt thời gian. Trong các bữa ăn trẻ bị quát mắng, thậm chí bị đánh làm cho các bé sợ bữa ăn. Chỉ cần nghe hoặc nhìn thấy thức ăn dọn ra là trẻ liền quay đi, chạy trốn, thậm chí quấy khóc, buồn nôn. Một số bé không ăn để “chống đối” cha mẹ.
Do thay đổi môi trường sống
Trẻ 2-3 tuổi sẽ bắt đầu đi mẫu giáo. Khi đến môi trường lạ lẫm, bé không kịp thích nghi và có tâm lý sợ hãi dẫn tới tình trạng chán ăn, biếng ăn.
Một số nguyên nhân khác
Trẻ đang mọc răng, viêm loét vùng miệng, yếu tố di truyền… cũng là các nguyên nhân khiến trẻ lười ăn.
Làm sao để trị bệnh biếng ăn ở trẻ?
Để giúp cho trẻ ăn ngon miệng trở lại, các bậc phụ huynh cần phải kiên nhẫn và phối hợp với bác sĩ dinh dưỡng, bác sĩ nhi loại bỏ nguyên nhân gây biếng ăn ở trẻ.
- Nên có một chế độ dinh dưỡng và thuốc dành riêng cho trẻ sinh thiếu tháng, thiếu cân.
- Phòng chống bệnh còi xương, bệnh thiếu máu do thiếu sắt ngay từ tháng tuổi thứ 2, liên tục cho đến ít nhất 5 tuổi.
- Trong thời gian điều trị các bệnh nhiễm khuẩn, cần phải bổ sung đầy đủ các vitamin A, B, C và các chất khoáng như Magie, kẽm. Đặc biệt là không được lạm dụng kháng sinh.
- Giảm đau trong quá trình trẻ mọc răng hoặc viêm loét vùng miệng. Người lớn thường ít quan tâm đến vấn đề đau khi trẻ mọc răng. Nhưng thực ra khi mọc răng trẻ rất đau, đau phát sốt và không dám ăn vì sợ đau.
- Tập cho trẻ ăn đa dạng các loại thức ăn. Luôn thay đổi món ăn, cách chế biến để trẻ ăn ngon miệng hơn. Không nên cho trẻ ăn bổ sung quá sớm. Không được ép trẻ ăn quá nhiều.
- Tập cho trẻ ăn đúng bữa, đúng giờ và ăn chung cùng với gia đình. Trong bữa ăn phải tạo ra không khí vui vẻ thoải mái giúp trẻ ăn ngon miệng.
- Đừng ép buộc bé phải ăn khi bé không muốn, điều này chỉ gây ra tác dụng trái ngược. Tránh quát mắng, doạ dẫm trẻ. Hãy tìm hiểu nguyên nhân trẻ chán ăn, lười ăn để tìm cách khắc phục.
- Không nên cho trẻ ăn nhiều đồ ăn vặt và các thực phẩm không lành mạnh…
Nguồn: viendinhduong.vn